Hỗ trợ

Hỗ trợ

Quy trình thi công sơn


ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
- Quan sát xem ngôi nhà có mấy mặt tiếp xúc với không gian để sử dụng sơn chống thấm hay
sơn màu.
- Kiểm tra sơ bộ chất luợng xây dựng hoàn thiện bề mặt tường đúng kỹ thuật không?
- Bề mặt tường có lồi lõm nhiều không? Cát sử dụng để xoa trát có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật không? (độ mịn, hạt nhỏ, không lẫn nhiều tạp chất bẩn). Nếu phát hiện thì đề nghị chủ nhà hoặc chủ thầu có phương án xử lý kịp thời như loại bỏ chất bẩn và thi công lại những chỗ lõm sâu, mài những chỗ lồi ra.
- Kiểm tra tường có bị ngấm nước không? Tìm, phát hiện ra và triệt tiêu nguồn rò rỉ nước, kết hợp sử dụng vật liệu chống thấm chuyên dụng để khắc phục lại.
- Chỉ thi công sơn khi thời tiết khí hậu khô ráo, tuyệt đối không thi công trong điều kiện thời tiết không đảm bảo như: Mưa, bão gió, thời tiết nồm quá ẩm.
* Chú ý: Nếu không kiểm tra kỹ, khắc phục trước các lỗi xây dựng trên, không đảm bảo bề mặt tường khô, sạch sẽ và ổn định thì có dùng sơn chất lượng tốt đến đâu cũng vẫn có thể bị bong tróc, phồng rộp hoặc rêu mốc, phấn hóa, bay màu. 


QUY TRÌNH THI CÔNG

1. Vệ sinh bề mặt
Đối với công trình mới thi công xong cần để cho bề mặt được khô ráo sau đó mới thi công, trong điều kiện thời tiết tốt khô ráo thì sau 20 ngày có thể tiến hành thi công. Đối với bề mặt tường cũ trước khi thi công cần loại bỏ rêu mốc, tạp chất, bụi bẩn và lớp sơn cũ trên bề mặt.
Sử dụng đá mài vệ sinh bề mặt để loại bỏ những tạp chất ảnh hưởng đến độ bám dính của bả matit hoặc lớp sơn phủ. Dùng giấy ráp vệ sinh một lần nữa để cho bề mặt được nhẵn và mịn, loại bỏ cát, bụi bẩn trên bề mặt, xử lý những chỗ lồi lõm, nứt trên bề mặt. Tiến hành làm ẩm bề mặt tường bằng cách lăn với nước sạch hoặc phun sương.

2. Thi công bột matit
Sau khi bề mặt đã được vệ sinh chúng ta tiến hành trét bột bả matit, quá trình này cần được tiến hành hai lớp, cần phải đê cho lớp thứ nhất khô đạt đủ điều kiện mới tiến hành lớp thứ 2. Để trong khoảng 4 đến 6 tiếng lớp matit đã khô hoàn toàn chúng ta tiến hành lấy giấy ráp mịn để làm phẳng và mịn cho bề mặt công trình.
Tiến hành khắc phục các điểm dị tật sau khi bả matit thi công xong, không nên sử quá nhiều lần khiến cho lớp bả dày lên dễ bị bong tróc.

3. Sơn lót
Tiến hành thi công sơn lót cho bề mặt để tăng độ bám dính cho lớp sơn phủ sau này, sơn lót có thể thi công từ 1 đến 2 lớp tùy vào điều kiện và nhu cầu sử dụng. Có thể pha thêm các loại dung môi để gia tăng độ phủ và giúp cho quá trình thi công được dễ dàng hơn.

4. Sơn phủ
Kiểm tra lại bề mặt công trình sau khi sơn lót một lần nữa, khắc phục các điểm dị tật sao cho có được bột bề mặt tốt nhất để tiến hành thi công lớp sơn phủ cuối cùng. Hoàn thiện với hai lần sơn phủ để có được một bề mặt có độ bóng, sáng và bằng phẳng màu sơn bền đẹp.
Có thể nói quy trình thi công sơn cũng rất đơn giản nhưng khi tiến hành thi công thực tế thì cũng không hề dễ dàng, yêu cầu người thợ phải tỉ mỉ có con mắt thẩm mỹ thì mới có thể tạo nên một công trình hoàn hảo, bền đẹp với thời gian.